1. Khái niệm:
Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó.
Chủ sở hữu bí mật kinh doanh là tổ chức, cá nhân có được bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Bí mật kinh doanh mà bên làm thuê, bên thực hiện nhiệm vụ được giao có được trong khi thực hiện công việc được thuê hoặc được giao thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
2. Lợi ích bảo hộ:
• Việc bảo hộ bí mật kinh doanh có ưu điểm là không bị hạn chế về mặt thời gian (sáng chế thường chỉ được kéo dài đến 20 năm). Nó sẽ còn được kéo dài tới chừng nào bí mật đó còn chưa bị bộc lộ ra công chúng.
• Bí mật kinh doanh không đòi hỏi chi phí đăng ký (mặc dù có thể phải bỏ chi phí để bảo mật thông tin đó). Việc bảo hộ bí mật kinh doanh không đòi hỏi phải tuân theo những hình thức như bộc lộ thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.• Ngày nay, vấn đề bảo hộ kinh doanh đang được các doanh nghiệp hết sức quan tâm do nhiều yếu tố. Trong đó, mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt nên các đối thủ chắc chắn không hề muốn chia sẻ thông tin cho nhau. Hơn nữa, khi người lao động có quyền tự do lựa chọn và thay đổi nơi làm việc, sẽ có khả năng rất cao là họ mang theo thông tin đến nơi làm việc mới mà thông thường là các đối thủ cạnh tranh của công ty cũ. Cuối cùng, bản thân các thông tin bí mật không thể giải trình công khai để đăng ký bảo hộ do tinh bảo mật của thông tin.
3. Điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ
Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
4. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh
Các thông tin bí mật sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh:
1. Bí mật về nhân thân;
2. Bí mật về quản lý nhà nước;
3. Bí mật về quốc phòng, an ninh;
4. Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.
Khi lựa chọn phương thức bảo hộ cho một sản phẩm trí tuệ, các doanh nghiệp cần xác định và đánh giá đúng đối tượng cần bảo vệ để có thể đưa ra quyết định phù hợp. Với các đối tượng mà việc giữ chúng ở trong vòng bí mật sẽ tạo ưu thế cạnh tranh hơn cho mình, doanh nghiệp nên bảo vệ dưới danh nghĩa bí mật kinh doanh bằng các biện pháp bảo mật và quản lý chặt chẽ.
5. Dịch vụ của VIETSKY:
- Tư vấn về việc xác định và bảo hộ bí mật kinh doanh;
- Tư vấn về các vấn đề khác có liên quan như: vấn đề chủ sở hữu, vấn đề bảo vệ bí mật kinh doanh…
- Tư vấn các vấn đề khi xảy ra tranh chấp liên quan đến việc tiết lộ và sử dụng bí mật kinh doanh;
- Đại diện cho quý khách hàng làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.