Hà nội, ngày 15 tháng 7 năm 2013
BẢN GÓP Ý HOÀN THIỆN
DỰ THẢO LUẬT XÂY DỰNG (SỬA ĐỔI)
Kính gửi: Ban Soạn thảo Luật Xây dựng (sửa đổi)
Sau nghiên cứu Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) và Dự thảo Tờ trình Chính phủ của Bộ Xây dựng về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi), tôi xin có một số ý kiến nhận xétvà góp ý như sau:
I. Nhận xét chung:
1. Luật Xây dựng được Quốc hội Khóa XI thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2004. Qua gần 9 năm thực hiện Luật Xây dựng đã đóng góp phần quan trọng trong việc quản lý các hoạt động xây dựng tại Việt Nam và tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiến hành các hoạt động đầu tư xây dựng tại Việt Nam. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Xây dựng năm 2003 đã bộc lộ một số hạn chế, chưa theo kịp với yêu cầu phát triển của đất nước.
2. Việc sửa đổi Luật Xây dựng năm 2003 là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nâng cao vai trò và hiệu quả trong công tác quan lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.
3. Dự thảo Luật Xây dựng được xây dựng khá công phu, có bổ sung nhiều nội dung mới nhằm theo kịp với yêu cầu phát triển của đất nước.
4. Một khó khăn rất lớn trong quá trình soạn thảo Luật Xây dựng là các nội dung sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Luật Xây dựng phải thống nhất với các Luật đã ban hành trước đó như Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch … đồng thời bổ sung và khắc phụ những hạn chế, khiếm khuyết của các Luật này. Trong thời gian tới, trong quá chỉnh sửa đổi, bổ sung các Luật có nội dung liên quan đến hoạt động xây dựng thì Luật Xây dựng sẽ là căn cứ quan trọng các Ban soạn thảo các luật này sẽ phải nghiên cứu, áp dụng phù hợp.
II. Phần góp ý cụ thể:
1. Về Phạm vi điều chỉnh:
- Luật Xây dựng năm 2003 quy định về hoạt động xây dựng; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình và hoạt động xây dựng.
- Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) quy định về hoạt động đầu tư xây dựng, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt độngđầu tư xây dựng.
- Luật Đầu tư năm 2005 quy định về hoạt động đầu tư nhằm mục đích kinh doanh; quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; khuyến khích và ưu đãi đầu tư; quản lý nhà nước về đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài
Đề xuất: Để tránh hiểu khác nhau về phạm vi điều chỉnh giữa Luật Xây dựng và Luật Đầu tư, phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng (sửa đổi) nên điều chỉnh như sau: “ Luật này quy định về hoạt động xây dựng; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham giahoạt động xây dựng”.
2. Về quy hoạch xây dựng:
Việc đưa nội dung về quy hoạch xây dựng vào Dự thảo xây dựng là cần thiết vì Quy hoạch xây dựng là một khâu, một nội dung quan trọng của hoạt động xây dựng.
Tuy nhiên, Luật Quy hoạch đô thị đã được Quốc hội ban hành năm 2009 và có hiệu lực từ 1/1/2010. Luật Quy hoạch đô thị quy định về hoạt động quy hoạch đô thị gồm lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị; tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.
Trên thực tế, một số nội dung quan trọng về về quy hoạch xây dựng chưa được đề cập trong Luật Quy hoạch đô thị như: quy hoạch xây dựng đối với vùng, khu chức năng ngoài đô thị, khu vực nông thôn.Các nội dung này cần phải được Luật hóa để kịp thời đưa vào thực hiện trong thực tế và đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước.
Đề xuất: Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) vẫn cần có một chương về Quy hoạch Xây dựng. Tuy nhiên, nội dung về Quy hoạch Xây dựng cần được viết ngắn gọn và bao hàm những quy định chung nhất về quy hoạch xây dựng. Những nội dung chuyên ngành về quy hoạch xây dựng nên đưa vào Luật Quy hoạch Xây dựng (sau này nên sửaLuật Quy hoạch Đô thịthành “Luật Quy hoạch Xây dựng” trong quá trình sửa đổi Luật Quy hoạch Đô thị trong thời gian tới). Bộ Xây dựng có thể mạnh dạn đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Quy hoạch Đô thị trong thời gian sớm nhất để Việt Nam sớm có Luật Quy hoạch Xây dựng trong đó bổ sung các nội dung về quy hoạch xây dựng nhằm đảm bảo về quản lý và thực hiện thống nhất các nội dung về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.
3. Về điều kiện cấp giấy phép xây dựng
Việc quy định điều kiện cấp phép phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng như Dự thảo Luật là cần thiết để đảm bảo công tác quản lý nhà nước trong hoạt động cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay là quy hoạch chi tiết xây dựng ở nhiều địa phương còn chưa được ban hành thậm chí nhiều địa phương đã ban hành nhưng chất lượng quy hoạch xây dựng chi tiết còn hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Vì vậy, trong trường hợp địa phương chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết thì việc cấp phép xây dựng sẽ vô cùng khó khăn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các chủ thể có nhu cầu cấp phép xây dựng.
Đề xuất: đề nghị Bộ Xây dựng tiến hành rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương đặc biệt là tỉnh và thành phố lớn phải sớm ban hành quy hoạch xây dựng chi tiết làm cơ sở để cấp phép xây dựng. Đối với một số địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa thì không nhất thiết phải áp dụng điều kiện cấp phép này.
4. Về vốn nhà nước:
- Việc Dự thảo Luật quy định các dự án sử dụng vốn hỗn hợp, trong đó có vốn nhà nước và ngân sách nhà nước với tỷ lệ bao nhiêu cũng vẫn phải chịu sự quản lý như dự án sử dụng vốn nhà nước và vốn ngân sách nhà nước là chưa không phù hợp. Nếu quy định như vậy thì sẽ không khuyến khích các chủ thể huy động các nguồn vốn khác (ngoài vốn nhà nước) để đầu tư dự án.
- Đối với Doanh nghiệp nhà nước cũng cần định nghĩa rõ thế nào là Doanh nghiệp Nhà nước. Luật Doanh nghiệp quy định Doanh nghiệp nhà nước là loại hình doanh nghiệp do Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Đối với Công ty TNHH MTV do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thì quy định này là phù hợp. Tuy nhiên, đối với loại hình công ty cổ phần do nhà nước nắm giữ từ 51% đến dưới 75% vốn điều lệ thì quy định này không phù hợp do chủ thể đại diện sở hữu vốn nhà nước nắm giữ dưới 75% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần không thể chi phối toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp trong đó có nội dung quan trọng nhất là sửa đổi điều lệ của doanh nghiệp. Vì vậy, nếu chỉ quy định Doanh nghiệp nhà nước chung chung thì đối với loại hình công ty cổ phần mà nhà nước nắm cổ phần dưới 7% vốn điều lệ của doanh nghiệp sẽ khó thực hiện.
Đề xuất:
- Dự thảo Luật vẫn nên xác định một cơ chế mở và thông thoáng hơn đối với các dự án sử dụng vốn hỗn hợp trong đó có vốn nhà nước. Nên chăng đề nghị quy định trong Dựánsử dụng vốn hỗn hợp có 2 tiểu dự án. Loại tiểu dự án sử dụng vốn nhà nước thì chịu sự quản lý như dự án sử dụng vốn nhà nước và vốn ngân sách nhà nước. Loại tiểu dự án sử dụng vốn khác thì không phải chịu sự sự quản lý như đự án sử dụng vốn nhà nước và ngân sách nhà nước.
- Đề nghị quy định vay vốn thương mại để đầu tư xây dựng của doanh nghiệp nhà nước trong đó có các công ty cổ phần do nhà nước nắm cổ phần chi phối từ 75% vốn điều lệ trở lên phải chịu sự quản lý của Nhà nước như đối với vốn nhà nước.
Trên đây là một số ý kiến góp ý của cá nhân tôi liên quan đến việc lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi).Đề nghị Ban Soạn thảo tham khảo.
Phan Vũ Anh